Kinh nghiệm mua mật gấu đúng và chuẩn

Trong thiên nhiên Gấu là một trong những loài động vật qúy hiếm. Gấu có nhiều loài: Gấu ngựa, Gấu chó, Gấu đen, Gấu lợn…. Hai loài Gấu thường thấy ở Việt Nam là Gấu ngựa (Ursus thibetanus) và Gấu chó (Ursus malayanus).

Gấu và các thành phần hoá học trong mật gấu

gau rung taiga

Trong mật gấu có axít Ursodesoxycholic (viết tắt là axít UDC) – dạng tinh thể màu trắng tan trong rượu và nước tạo dung dịch trong suốt không màu. Phần lớn UDC trong mật ở dạng liên kết tạo thành muối mật Tauro Usodesoxycholat (viết tắt là TUDC). Muối mật TUDC đặc trưng cho loài Gấu và là hoạt chất chính có tác dụng chữa bệnh đặc biệt riêng của mật gấu. Màu sắc mật là do sắc tố mật tạo nên. Người ta căn cứ vào hàm lượng TUDC để đánh giá chất lượng mật Gấu và phân biệt mật gấu với các mật động vật khác. Mật Gấu ngựa có hàm lượng TUDC cao nhất. Mật Gấu chó, Gấu lợn, Gấu đen, Gấu nâu có hàm lượng TUDC rất thấp. Mật các động vật khác hầu hết không có TUDC, một số loài có song hàm lượng TUDC rất thấp

Tác dụng mật gấu ?
Mật gấu trong Y học cổ truyền dân tộc

Mật gấu là vị thuốc quý của Đông y với những tác dụng trị liệu rất phong phú. Mật gấu có tên là Hùng đởm, vị đắng, tính hàn, vào kinh tâm, can và vị, có tác dụng thanh tâm hoạt huyết, là dược liệu quý để chữa các bệnh về gan mật. Mật gấu có tác dụng chữa tiêu viêm, bình can, thấp nhiệt, da vàng, kiện vị, chữa trĩ, lỵ lâu ngày, trấn kinh hồi hộp, sợ hãi co quắp. Mật gấu hãm trong rượu uống ban đêm với liều lượng 0,5 đến1g hoặc 2g/ ngày, có thể thấp hơn tuỳ theo tình trạng của bệnh hoặc theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Mật gấu làm giảm đau, tan tụ máu bầm tím, tan máu cục khi bị va đập chấn thương, giúp cho nhiều bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm. Mật gấu 5g ngâm trong 100ml rượu 350 sau đó xoa vào chỗ sưng đau. Ngoài ra mật gấu còn dùng để chữa mắt bị đau sưng đỏ rất tốt. Một lượng mật gấu bằng hạt gạo mài với nước đun sôi để nguội sau đó nhỏ vào mắt bị sưng đỏ. Hiện nay nhiều Lương y cho rằng mật gấu với các dược tính của nó là vị thuốc tốt cần trong điều trị ung thư

Mật gấu trong Y học hiện đại Theo y học hiện đại:

Mật gấu có nhiều chức năng: Chức năng chuyển hoá, chức năng miễn dịch, đặc biệt khả năng giải độc trong gan. Qua nghiên cứu người ta thấy rằng mật gấu có tác dụng bảo vệ gan làm ổn định màng tế bào tăng chức năng miễn dịch bảo vệ nhu mô gan, phục hồi tổ chức gan bị tổn thương. Tại nhiều nước trên thế giới như Anh Pháp Mỹ… Các nhà khoa học nghiên cứu và cho thấy UDC của mật gấu có tác dụng điều trị xơ gan tốt hơn các hoá dược khác. Tuy nhiên mật gấu dùng để điều trị xơ gan là mật Gấu ngựa chứ không phải là mật Gấu chó.Thông thường trong 1g mật Gấu ngựa khô có 200mg UDC, do đó uống mật Gấu ngựa là rất tốt. Ngược lại, mật Gấu chó gần như không có UDC mà chỉ có Axít Chenodesoxycholic (viết tắt là axít CDC). CDC không những không có tác dụng chữa viêm gan, xơ gan mà còn là nguyên nhân gây bệnh viêm gan. Khi người bệnh uống CDC, vi khuẩn trong đường ruột ăn CDC và sản sinh ra Axít Lithocholic – tác nhân gây bệnh viêm gan. Vì thế chỉ nên dùng mật Gấu chó để bôi ngoài da cũng có tác dụng làm tan tụ máu. Cần cảnh giác khi uống mật các động vật khác khi chưa biết thành phần và tác dụng của chúng ra sao. Y học hiện đại cũng chứng minh chất UDC trong mật gấu có tác dụng ngăn chặn hình thành sỏi và làm tan sỏi mật khi còn nhỏ. Tại nhiều nước trên thế giới UDC được bán để điều trị sỏi mật với tên thương phẩm là Ursofalk. Ở Trung Quốc người ta cũng đã nghiên cứu và bào chế một loại thuốc để điều trị ung thư có vị mật gấu. Hiện nay vấn đề này đang có nhiều nhận định khác nhau. Theo Hội ung thư Việt Nam thì mật gấu có tác dụng phòng hơn là chữa ung thư gan. Nghiên cứu vấn đề này ở nước ta phải kể đến PGS – TS Đỗ Khắc Hiếu – Trưởng bộ môn Tế bào động vật học – Viện Công nghệ Sinh học cùng các cộng sự của ông. Kết quả nghiên cứu của ông và cộng sự về mật Gấu chữa ung thư tại Việt Nam và CHLB Đức được công bố trên các tạp chí khoa học. Ông cho biết: “Mật gấu không trực tiếp tiêu diệt được các tế bào ung thư nhưng hỗ trợ tốt cho các thuốc điều trị ung thư. Khi bổ sung mật gấu cùng thuốc điều trị ung thư thì ngay ở nồng độ thấp hơn liều điều trị, mật gấu cũng làm tăng tác dụng tiêu diệt và ức chế tế bào ung thư của những thuốc này. Vấn đề này hiện nay vẫn đang được nghiên cứu thêm. Nếu thành công sẽ mở ra một hướng điều trị mới cho những người mắc phải căn bệnh nguy hiểm này”.

Chất lượng mật gấu trên thị trường hiện nay ?

Mấy năm gần đây thị trường mật gấu trở nên sôi động hơn do phong trào nuôi gấu lấy mật phát triển ở nhiều nơi trong cả nước. So với ban đầu, giá mật gấu hiện nay giảm xuống rất nhiều. Giá dao động từ 70.000 đến 80.000 đồng/1ml mật gấu nhưng chất lượng mật ra sao thì chỉ các nhà chuyên môn mới biết được. PGS – TS Đỗ Khắc Hiếu cho biết: Mật gấu trên thị trường chỉ còn khoảng 1/3 tác dụng chữa bệnh do hàm lượng muối mật thấp. Vừa qua chúng tôi có phân tích mẫu mật gấu do Chi cục kiểm lâm Hà Nội thu giữ, kết quả cho thấy các mẫu đều có hàm lượng chất chữa bệnh thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn”

Nguyên nhân?

Nuôi Gấu không đúng khẩu phần ăn, lượng đạm thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng mật Gấu kém. Gấu thuộc bộ ăn thịt. Chế độ ăn uống của Gấu rất phức tạp. Theo tài liệu của vườn thú Berlin và Luân Đôn thì cần ít nhất 50% lượng đạm: Thịt, cá, trứng, côn trùng…. đồng thời phải đảm bảo đủ Vitamin và các chất vi lượng khác. Nếu thiếu đạm và các vi lượng quan trọng Gấu không chỉ dễ mắc bệnh mà chất và lượng mật gấu cũng bị giảm. TUDC tụt xuống thấp dẫn đến tác dụng chữa bệnh của mật gấu giảm theo. Các hộ nuôi Gấu lấy mật ở nước ta hầu như không chú ý đến vấn đề này nhiều. Chu kỳ lấy mật không hợp lý và cách lấy mật không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề chất và lượng mật gấu.

Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học: Với cách nuôi bình thường, sau lần lấy mật đầu tiên, trung bình phải 6 tháng sau lượng muối mật trong túi mật mới đảm bảo trở lại bình thường. Có những con tốt chỉ sau 4 – 5 tháng nhưng có những con kéo dài tới 7 – 8 tháng do sự tổng hợp muối mật diễn ra chậm. Vì chạy theo lợi nhuận và cạnh tranh giữa các nơi nuôi Gấu lấy mật nên có những nơi 4 – 5 tuần lấy mật một lần.

Như vậy Gấu chưa kịp tổng hợp lại đủ lượng muối mật thì người ta đã lấy. Mật được dự trữ và cô đặc ở túi mật rồi đổ vào ruột sau mỗi bữa ăn hay khi Gấu bị sốc bởi vậy không nên lấy mật khi gấu vừa ăn, khi Gấu bị sốc vì khi đó lượng mật rất ít đồng thời hàm lượng muối mật cũng giảm. Vấn đề vệ sinh, sát trùng khi hút mật ở các hộ nuôi Gấu lấy mật hiện nay chưa được đảm bảo, kết hợp với chu kỳ lấy mật ngắn và mùa lấy mật không hợp lý đã dẫn đến hiện tượng gấu bị nhiễm trùng, có con bị áp xe gan có mủ mà người nuôi nhiều khi không biết. Khi dùng kim hút mật vô tình người ta đã hút luôn cả mủ. Mật gấu có mủ sẽ gây bệnh cho người khi uống phải. Mặt khác một vài bệnh khi Gấu mắc phải cũng làm trương túi mật. Thường túi mật của Gấu chứa 180 – 200ml mật, khi trương lên tới 300ml nhưng thực chất chủ yếu chỉ là nước chứ không phải là mật. Theo GS Đỗ Tất Lợi:” Mật gấu lấy vào mùa Xuân là tốt nhất”, nhưng trong cơ chế thị trường hiện nay, người tiêu dùng có thể mua mật gấu vào bất kỳ mùa nào trong năm khi cần. Người bán cũng không quan tâm xem mùa đấy thì mật như thế nào mà chỉ cần biết là bán được mật.

Hiện nay chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng mật gấu tại các cơ sở nuôi Gấu lấy mật của tư nhân khi hút và bán mật. Giải pháp nào để bảo tồn loài gấu mà vẫn khai thác mật theo định kỳ, đảm bảo chất chữa bệnh trong mật gấu. Khác với trước kia, ngày nay khi mua mật gấu người mua có thể đến xem trực tiếp quá trình hút mật từ con Gấu. Nhưng nếu chỉ nhìn và nếm mật thì rất khó để phân biệt: Mật Gấu chó với mật Gấu ngựa, hàm lượng muối mật là bao nhiêu, mật gấu có mủ hay không… Chỉ khi đưa vào máy phân tích, làm sắc ký, đo quang phổ mới biết được mật đó là mật gì, chất lượng ra sao, tỷ lệ pha trộn giữa các loại mật với nhau…. Và nhìn Gấu, người mua cũng không thể biết được Gấu khỏe hay ốm, Gấu có bị áp xe gan không ?….. bởi có những con bị ốm, bị áp xe gan nhưng nó vẫn ăn uống bình thường. Hiện nay người dân khai thác mật cả hai loài không phân biệt đâu là Gấu chó đâu là Gấu ngựa. Người tiêu dùng rất dễ bị “đánh lừa”.

Một số kinh nghiệm khi đi mua mật gấu :
Dạng nước: Khi hàm lượng muối mật cao thì mật có màu vàng hoặc vàng nâu trong suốt. Khi hàm lượng muối mật thấp thì mật có màu xanh.

Dạng khô: Muối mật nhiều thì mật óng ánh như hổ phách hoặc cánh kiến, muối mật ít thì mật đục như khi bẻ nến.

Về hình dạng : Gấu chó: Nặng khoảng 50 – 70kg, yếm tròn sát cổ, đầu to, mõm trắng nhiều.

Gấu ngựa: Nặng khoảng 1,5 – 2 tạ, yếm trắng dưới ngực hình chữ V sâu xuống ức, đầu bé, mõm đen nhiều, trắng ít. Mật gấu nhất là mật Gấu ngựa trong Đông y và Tây y là nguồn dược liệu, nguồn tài nguyên quý bởi công dụng của chúng. Năm 1983 Tại Viện công nghệ sinh học PGS – TS Đỗ Khắc Hiếu cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công phương pháp lấy mật không cần giết Gấu đã mở ra một hướng bảo tồn loài Gấu. Song hiện nay số hộ nuôi Gấu lấy mật phát triển khá nhiều.

Chính quá trình khai thác mật không hợp lý: Chu kỳ lấy mật ngắn, khâu vệ sinh tiệt trùng khi hút mật kém kết hợp chế độ ăn uống không đúng đã khiến cho tuổi thọ của Gấu nuôi nhốt giảm, trong một số trường hợp dẫn đến Gấu bị nhiễm trùng, áp xe gan rồi chết. Mặt khác Gấu nuôi nhốt trong chuồng rất khó sinh sản và nếu có thì cũng không thành công do không thích ứng được với môi trường. Gấu nuôi đã vậy, Gấu trong tự nhiên thì sao? Môi trường sinh thái của Gấu nói riêng và các động thực vật khác nói chung ngày càng bị thu hẹp, nạn chặt phá rừng bừa bãi, nạn săn bắn động vật quý hiếm vẫn xẩy ra khiến cho số lượng Gấu ngày một giảm.

Gấu được xếp vào cấp độ E – đang cấp nguy hiểm, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Bộ Y tế đã có “đảo Rều” để nuôi khỉ, cho khỉ sinh sản lấy thận chế vắc xin vậy tại sao chúng ta lại không thể tổ chức một “Đảo Rều” để nuôi Gấu dưới dạng bán tự nhiên? Chúng ta vẫn cho gấu ăn bình thường để gấu quen hơi, khi lấy mật dùng phương pháp bắn thuốc gây mê. Như vậy vừa lấy mật theo định kỳ, chất lượng mật gấu vẫn đảm bảo mà gấu có thể sinh sản được. Hay chăng cũng có thể kết hợp giữa các cơ quan hữu quan để thành lập Công ty nuôi và khai thác mật Gấu dưới sự quản lý của Nhà nước. ở đấy có các Bác sỹ, Dược sỹ chăm sóc, lập hồ sơ cho mỗi con để theo dõi chúng hàng ngày, kiểm định chất lượng mật, độ vô trùng của mật trước khi đưa ra thị trường, tránh hậu quả đáng tiếc xẩy ra với người tiêu dùng. Chỉ có nuôi và khai thác một cách có tổ chức như vậy mới có thể bảo tồn được loài Gấu quý hiếm, đảm bảo chất và lượng mật gấu. Đồng thời, khi đấy mật gấu mới phát huy hết tác dụng trong chữa bệnh.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *