Loài sóc ‘đột biến’ sinh ra từ biến đổi khí hậu


Soc dot bien genDưới tác động của việc trái đất nóng lên, loài marmot có xu hướng biến đổi trở thành những “siêu marmot” với kích thước lớn hơn và số lượng loài tăng nhanh hơn.

  • Marmot (hay còn được gọi là sóc đất) là một trong những loài động vật quý hiếm thuộc họ sóc. Số lượng của loài động vật này còn lại rất ít và đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây thì sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã tạo ra những “siêu marmot” với kích thước lớn hơn và phong phú hơn.

    Do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, mùa hè đến sớm và kéo dài hơn nên loài marmot thức giấc ngủ đông sớm hơn. Chúng cũng có nhiều thời gian để kiếm tìm thức ăn và đảm bảo cân nặng trước khi bắt đầu cho một giai đoạn ngủ đông tiếp theo.

    Các con marmot mới được sinh ra cũng lớn hơn và được đảm bảo cuộc sống cũng như có nhiều khả năng tồn tại qua mùa đông hơn khi bố mẹ chúng đã có sự chuẩn bị.

    Năm 1962, các nhà khoa học bắt đầu tiến hành nghiên cứu loài marmot trong khoảng 10.000 feet trên núi Rocky, vườn quốc gia Colorado. Để có thể đạt được kết quả trong việc nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích trọng lượng cơ thể, quá trình tồn tại, sinh sản của những con marmot cái. Nhóm nghiên cứu đánh bẫy để bắt chúng trong mùa hè, đánh dấu chúng bằng những thẻ số đeo ở tai.

    Sau quá trình theo dõi, lấy số liệu, so sánh và kiểm chứng, các nhà khoa học đã khẳng định là loài marmot có sự tăng trưởng về trọng lượng. Trọng lượng trung bình của những con marmot đã tăng 11%, tương ứng với khoảng 400 gram trọng lượng cơ thể. Số lượng loài cũng tăng lên 1/4 trong 33 năm qua.

    Tiến sĩ Arpat Ozgul, người đứng đầu trong nhóm nghiên cứu cho biết sự gia tăng số lượng của loài marmot có thể bị giảm xuống như một phản ứng giới hạn khi mùa hè dài hơn. Do đó, ông nhấn mạnh là cần thiết phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để tìm hiểu đời sống của động vật sẽ bị biến đổi như thế nào khi phải đối mặt với những thay đổi thời tiết trong tương lai.

    Ông nói: “Liệu có phải số lượng loài marnot sẽ tăng mạnh khi khí hậu biến đổi. Chúng tôi nghi ngờ rằng việc tăng số lượng này chỉ là một phản ứng theo kiểu ngắn hạn khi mùa hè kéo dài. Nhưng chúng tôi hi vọng việc tiếp tục nghiên cứu loài marmot sẽ giúp chúng tôi làm sáng tỏ được những phản ứng trong tương lai của loài sóc khi khí hậu biến đổi”.

    Loài marmot hiện đang hoạt động từ 4 – 5 tháng/năm. Những tháng “thức giấc” hoạt động là quãng thời gian rất bận rộn của chúng. Chúng phải kiếm thức ăn, đảm bảo tăng cân nặng, sinh sản để sẵn sàng cho một mùa ngủ đông sẽ đến.

    Kể từ khi mùa hè trở nên dài hơn, loài marmot có thêm nhiều thời gian để thực hiện tất cả những công việc đó, góp phần làm tăng khả năng tồn tại thành công.

    Giáo sư Tim Coulson, đồng sự của Arpat Ozgul trong nhóm nghiên cứu cũng đã cho rằng: những thay đổi trong đời sống của loài marmot cho thấy một cách thức biến đổi khác của động vật khi khí hậu thay đổi. Bởi một nghiên cứu trước đó một thời gian ngắn đã cho thấy rằng loài cừu tại Scotland có nguy cơ bị suy giảm số lượng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

    Ông nói: “Chúng tôi nghiên cứu để có thể đưa ra mô hình những biến đổi cơ bản của các quần thể động vật hoang dã dưới sự tác động của thay đổi môi trường”… “Nếu chúng ta dự đoán được ảnh hưởng của khí hậu đến thế giới tự nhiên, chúng ta có thể nghĩ ra các cách thức nhằm hạn chế những hậu quả bất lợi mà chúng gây ra”.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *